Giống cây rau Sắng
Tên gọi khác: Rau ngót núi; Ngót rừng; Phắc van, cây mì chính, rau ngót quế, lai cam, tắc sắng, pắc van ….tất cả đều có nghĩa là rau ngọt.
Tên khoa học: Melientha suavis Pierre.
Mô tả:
Ở Việt Nam cây rau sắng mọc phổ biến ở rừng ven suối, ven núi đá ở nhiều nơi như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Vĩnh Phú, Hà Nội, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng…Loài cây này sống ở độ cao khoảng 100-200 mét trở lên so với mực nước biển.
Thân cây rau Sắng sống lâu năm to, cao, có khi lên tới hàng chục mét chiều cao và đường kính thân tới 20-30 cm. Vì vậy muốn hái lá non thường người ta phải trèo lên cây để hái.
Lá cây mọc so le, hình ngọn giáo, thu hẹp tù lại cả hai đầu, rất nhẵn, dày, dài 7-12cm, rộng 3-6cm, gân phụ 4-5 đôi, mảnh, cuống lá 4-5mm. Lá thường xanh hay rụng lá theo mùa (nơi có khí hậu lạnh).
Cây Rau Sắng
Hoa là hoa đơn tính, có mùi thơm. Cụm hoa chùy hoặc bông kép, dài 13cm, mọc dày đặc trên thân và cành già. Hoa hình cầu, cao 2mm, tạp tính, rất thơm. Dài rất nhỏ, hơi nạc, không có thùy rõ ràng. Tràng gồm 4 – 5 phiến hình mác, hợp với nữa dưới. Nhị 4 – 5, mọc đối với thùy tràng và ngắn hơn.
Quả thuôn hay hình trứng, dài 25mm, rộng 17mm, khi chín màu vàng có hạch cứng chứa một hạt. Hạt trắng, ăn được, có vị béo, ngọt.
Thành phần hóa học của rau Sắng:
Lá, chồi non của cây rau Sắng xanh thẫm, óng ả, mỡ màng và có hàm lượng axit amin cà protit cao hơn hẳn các loại rau khác. Trong 100g rau Sắng có khoảng 6,5 – 8,2g protit, 0,23g lysin, 0,19g methionin, 0,08g tryptophan, 0,25g phenylanalin, 0,45g treonin, 0,22g valin, 0,26g leucin và 0,23g isoleucin, 11,5 mg vitamin C, 0,6 mg caroten v.v… gấp nhiều lần đậu ván và rau ngót.
Công dụng của rau Sắng:
Người ta thường lấy lá non, lá bánh tẻ, hoa, quả non của cây rau Sắng để xào hay nấu canh ăn. Có thể nấu canh với thịt nhưng cũng có thể nấu canh suông, bát canh vẫn ngon ngọt, đậm đà. Lá rau Sắng nấu canh tuy đã ngon, nhưng khi có thêm những chồi nụ vàng như hoa ngâu thì canh có đầy đủ hương vị bùi, thơm, ngon ngọt và dịu mát.
Rau Sắng
Rau Sắng nấu canh ăn rất ngọt nước. Vì dinh dưỡng rất cao, ngon ngọt đậm đà nên rau Sắng ăn rất bổ cho phụ nữ mới sinh và người mới ốm dậy. Rau Sắng còn là một vị thuốc chữa bệnh đường ruột rất tốt.
Rau Sắng thường được sử dụng để nấu canh. Bát canh rau sắng có thể nấu với một trong các nguyên liệu như xương lợn, tôm giã nhỏ, giò chả, cá rô, cá quả, thịt gà v.v. mỗi thứ một vị, đều rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của thứ rau xanh mọc giữa trời, đất, gió, và núi này. Chậm rãi nhai từng chiếc lá, từng đọt ngọt để cảm nhận được vị bùi, vị ngọt, mùi hương thoang thoảng mát mát của chất đạm thực vật thật khó tả.
Những chùm rồng rồng với hoa, nụ và quả non của cây rau Sắng khi nấu canh ăn còn ngon ngọt hơn cả lá non. Những chùm hoa này cùng với những đọt thân non to mập, không chỉ nấu canh mà hợp hơn cả là xào với thịt bò đã ướp với chút nước mắm và tỏi và gừng.
Quả sắng chín ăn ngọt như mật ong, thường tách vỏ để lấy hạt ninh với xương thành món canh vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng.
Trồng và thu hoạch cây rau Sắng:
Cây rau Sắng thường mọc trên các vùng núi đá vôi, dưới tán lá của những loại cây khác, không ưa các loại phân bón hóa học. Dù khá kén đất và nhạy cảm với các phương thức chăm sóc cơ học, cây vẫn có thể được nhân giống bằng hạt, trồng phân tán, trồng xen vào các khu rừng tái sinh hoặc trồng xen với các loại cây ăn quả.
Cây Giống Rau Sắng
Mùa đông cây rau Sắng rụng hết lá già, đến những ngày đầu xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những ngọn lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là đỉnh điểm mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa.
Trồng rau Sắng từ 3-4 năm trở lên sẽ bắt đầu được thu hái, nhưng phải vài năm sau cây mới đạt hiệu suất cao nhất. Khi bị cắt những đọt ngọn, cây sẽ nhanh chóng mọc ra tua tủa những chồi non. Nhưng cũng không nên khai thác quá mạnh tay vì cây sẽ còi cọc, thường trong khoảng trên dưới một tháng sau là có thể thu hoạch tiếp đợt mới.