Đặc điểm của cây lá cách
Lá cách là loài cây thân gỗ cao, thường chúng mọc thành bụi, đôi khi có thể leo, và còn được tạo dáng bonsai. Chiều cao khoảng tới 3m, cây phân nhiều nhánh.
Lá cách khá lớn, có thể dài tới 15cm và chiều rộng tới 10cm. Mặt trên lá nhẵn, nổi gân rõ, bên dưới có lông. Phiến lá khá mảnh, màu xanh không quá đậm. Lá hình xoan, nhọn ở đầu, đôi khi trông giống như hình tim.
Hoa thường mọc ở đầu cành thành chùm. Từng hoa đơn rất nhỏ nên chúng hay được mô tả thành một khối. Hoa màu trắng ngà. Cây còn có quả nhỏ, hình trứng. Quả có màu đen khi chín.
Nguồn gốc và phân bố
Cây lá cách được tìm thấy ban đầu ở châu Á, nơi các nước Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Việt Nam. Hiện nay chúng đã phổ biến ở nhiều đất nước và các châu lục khác. Riêng tại Việt Nam, chúng có mặt ở khắp nơi vì có nhiều ứng dụng trong ẩm thực và y học. Chúng có thể được sử dụng quanh năm nên càng được ưa trồng ở trong nhà và các vườn thảo dược.
Xưa kia, vọng cách là cây mọc hoang. Người ta tìm thấy chúng nhiều ở các khu vực có nước như đầm lầy, sông, ao hồ, ven biển. Chúng có mặt ở cả các vùng ngập mặn, vì thế tính thích nghi rất cao và dễ chăm sóc. Cây có chứa tinh dầu với mùi hương hơi hắc. Chúng được coi là cây thuốc, đồng thời là loại lá được dùng phổ biến trong ẩm thực.
Sự nổi tiếng của lá cách trong dân gian
Những bài thuốc truyền miệng có hiệu quả
Dân gian sử dụng lá giã nhuyễn, thoa lên người để trị rôm sảy. Cách làm này tuy chỉ truyền miệng như rất hiệu quả.
Nhiều người vợ nấu lá cho chồng hay uống bia rượu. Sử dụng 30gr lá cách, 10gr cỏ mần trầu, 10gr râu ngô, 20gr nhân trần, 5gr đậu đen. Cho tất cả vào đun sôi, uống sau bữa ăn. Gan sẽ đỡ bị tổn hại. Sau này, bài thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ và rất có hiệu quả.
Các món ăn đặc trưng vùng miền
Người miền Tây hay ăn lá cách với cá lia thia hoặc khoai lang mắm sống cuốn lá cách. Những món ăn thoạt nghe rất lạ nhưng là ký ức của người miền Tây Nam Bộ và các vùng sông nước.
Riêng món thịt chuột xào lá cách, không biết các bạn của Mộc Nhiên có từng thử qua? Đây được coi là món ăn có một không hai của miền Tây, nếu đã từng sống ở vùng đất này hẳn bạn ít nhất vài lần nghe nhắc tới.
Lá cách thân thuộc lắm, dường như với người miền Tây Nam Bộ, ai ai cũng có ký ức gắn liền với chúng. Nếu phải rời quê đi xa thì những món ăn với loại lá dân dã này sẽ không khỏi gây thương nhớ không ngơi.
Công dụng của cây lá cách trong y học
Bộ phận dùng: rễ, lá, cành, vỏ thân.
Tính vị: hơi đắng, tính mát.
Lá cách có tác dụng với các bệnh sau:
- Kháng viêm, ức chế phù nề
- Chữa tê thấp, thấp khớp bằng thuốc sắc
- Lợi sữa, thông tắc tia sữa
- Chữa tả lỵ, điều trị rối loạn kinh nguyệt
- Chống lão hóa và bệnh Parkinson
- Lá cách là loại lá có tác dụng thanh nhiệt, chúng được dùng để nấu nước, làm trà giải khát.
- Bảo vệ gan, giúp khử độc và tái tạo tế bào gan. Đặc biệt tốt cho những ai dùng nhiều rượu hoặc các loại thuốc gây hại cho gan. Người miền Nam trước đây có thói quen nấu lá cách non để giải độc bia rượu. Ngoài ra chúng còn hỗ trợ tiêu hóa cho những bệnh đầy bụng hoặc khó tiêu.
Các bài thuốc phổ biến theo y học cổ truyền
- Lợi sữa: 30 – 40gr lá cách sống hoặc 15 – 20gr rễ, nấu nước uống.
- Nếu tắc tia sữa, có thể kết hợp lá vọng cách với bồ công anh. Giã nát hai loại lá này và đắp ở bên ngoài.
- Chữa tả lỵ: uống nước giã từ lá tươi hoặc nước sắc từ lá khô. Nếu khó uống có thể thêm đường hoặc mật ong, pha loãng với nước nguội. Trẻ em 15ml/ngày, người lớn 30ml.
- Điều hòa kinh nguyệt nếu uống nước sắc từ lá trước khi hành kinh.
- Lá cách là một trong những loại lá góp phần vào việc giảm bướu giáp Basedow. Tuy nhiên, chúng cần phải đi theo một bài thuốc gồm nhiều loại thuốc khác, như: dừa cạn, cây cối xay, bòng bong, ngũ gia bì chân chim, cây lưỡi rắn, ô rô nước, ké hoa đào, cúc áo hoa vàng.
- Chữa nhức mỏi: sử dụng lá cách để lưu thông khí huyết trong người. Chỉ cần uống nước/trà từ lá, hoặc ăn kèm trong bữa ăn, thì cơ thể sẽ bớt nhức mỏi trì trệ.
Lá cách trong góc nhìn của y học hiện đại
Y học hiện đại cũng công nhận nhiều dược tính của lá cách và duy trì những tác dụng kế thừa của y học cổ truyền. Theo các nghiên cứu mới đây, loại cây này hỗ trợ giảm men gan cao, hỗ trợ điều trị bệnh gan. Nếu sử dụng lá cách để điều trị bệnh gan, sẽ thấy những tác dụng rõ rệt như: men gan giảm, giảm sưng phù, giảm vàng da, giảm dịch rỉ viêm, bệnh nhân cũng khỏe lên thấy rõ.
Tác dụng đối với bệnh gan đã được đưa vào làm đề tài nghiên cứu tại Viện Dược Liệu, Viện Khoa học công nghệ, Đại Học Y Hà Nội, Đại học Dược 2008. Đề tài này mang tên “Nghiên cứu tác dụng chống viêm của cao lỏng lá vọng cách trên thực nghiệm”. Ngoài ra có một số luận án cũng lấy đề tài từ cây lá cách để nghiên cứu. Điều này cho thấy cả ở Việt Nam và trên thế giới, việc nghiên cứu dược tính của thực vật vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong đó, cây vọng cách là một trong số những loài thực vật có giá trị, đáng được tiếp tục nghiên cứu để tận dụng làm thuốc.
Cần lưu ý gì khi sử dụng làm thuốc?
- Lá cách có chứa premnin và ganiarin. 2 chất này làm co mạch, nở đồng tử, tăng nhu động ruột, nở khí quản, tăng huyết áp, tăng tiết nước bọt. Vì thế sẽ giúp thở tốt và ăn ngon miệng, có tác dụng giảm rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng. Tuy nhiên, 2 chất này cũng có độc tính. Nếu dùng quá liều, các triệu chứng kia sẽ tăng cao và gây nguy hiểm tới người dùng. Vì thế, không được sử dụng liên tục hoặc quá mức độ cho phép. Để bảo đảm sử dụng đúng liều lượng, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, những ai bị thấp huyết áp, không nên sử dụng tùy tiện.
Ứng dụng của lá vọng cách trong ẩm thực
Những ứng dụng chung
Không chỉ có những tác dụng tốt đối với sức khỏe, lá cách còn là một loại rau rất phổ biến đối với người dân địa phương. Mộc Nhiên gửi tới các bạn một số món ăn dễ làm và vô cùng hấp dẫn nhé.
Các món ăn sống: lá cách hay được dùng để làm rau ăn kèm, ăn với bánh xèo, bánh khọt. Chúng cũng rất ngon khi dùng trong các món cuốn.
Các món nấu chín: đơn giản nhất là luộc và chấm mắm hoặc nhúng lẩu. Ngoài ra, chúng rất hợp xào cùng các loại thịt hoặc um lươn. Lưu ý, vì đây là loại lá ăn sống được nên chúng cũng rất nhanh chín, chỉ nên cho vào khi thịt đã gần chín. Mùi thơm của lá cách khi sống hơi hắc nhẹ nhưng nấu chín thì lại làm tăng gia vị của thịt, làm dịu bớt mùi tanh của cá.
Bánh xèo và lá cách
Một món ăn hấp dẫn mang hương vị của miền Nam là bánh xèo. Cái làm cho bánh xèo trở nên đặc biệt không chỉ ở vỏ bánh, nhân bánh hay nước chấm mà còn ở các loại lá ăn kèm. Với nhiều người, bánh xèo không thể thiếu lá cách. Cái mùi vị thơm thơm đăng đắng để lại dư âm khó quên. Hương vị của lá cách hòa quyện với sự đậm đà của nước chấm, cắn một miếng cùng với bánh xèo giòn tan – chính là hương vị gây ghiền cho biết bao nhiêu người.
Các cách sử dụng lá để uống
- Nếu cắt nhánh để khô có thể hãm trà hoặc sắc thành nước uống.
- Nấu trà: lấy lá nấu theo kiểu chè tươi. Có thể thêm mật ong hoặc đường phèn nếu bạn muốn thay đổi khẩu vị.
- Xay nhuyễn lá, lọc lấy nước.
Lưu ý: Nước lá cách không nên uống quá thường xuyên, nhất là không được thay thế nước lọc. Đông Y có khuyến cáo việc chúng sẽ gây rối loạn bên trong. Việc sử dụng nên có giới hạn.
Trồng và chăm sóc cây lá cách
Trồng cây lá cách
Trồng bằng hạt
Ngâm hạt 1 ngày cho hạt mềm ra. Hôm sau, vùi hạt vào đất ẩm. Hạt vọng cách khá cứng nên việc ngâm hạt sẽ giúp chúng dễ nảy mầm hơn. Nếu muốn chúng nhanh nảy mầm, mài mỏng 2 đầu hạt.
Giữ ẩm đất hoặc tưới phun sương hàng ngày. Tới khi hạt nhú mầm và tách vài chồi lá, có thể đem ra chỗ có ánh sáng nhẹ.
Trồng bằng cách giâm cành
Việc giâm cành rất đơn giản, chỉ cần cắt nhánh cắm xuống giá thể sạch, khoảng vài tuần đã thấy có rễ con.
Cách chăm sóc cây lá cách
Vốn dĩ là loài cây mọc hoang, lá cách gần như không đòi hỏi gì nhiều. Chúng ưa nắng và cần một giá thể và tơi thoáng là đủ. Việc cắt tỉa hay bổ sung dinh dưỡng không yêu cầu gì đặc biệt. Có thể nói, việc trồng lá cách trong vườn nhà gần như mang đến tất cả những lợi ích cần thiết mà không hề tốn công sức của người trồng chút nào.
Vọng cách bonsai
Đây là một trong những loại cây cảnh bonsai dễ chơi và rất đẹp về thân và hình dáng. Các nhánh của chúng vươn ra nhiều phía, khi được cắt tỉa theo cách chăm bonsai thì tạo thành những hình dáng rất ấn tượng. Người ta dùng thân gỗ sam hương lâu năm lấy từ rừng hoang hoặc ven biển với nhiều hình dáng độc đáo, sau đó ghép cây cách để làm thành bonsai. Nhiều người trồng chúng như một loại cây cảnh có giá trị.
Tổng kết
Đối với người Việt, lá ăn kèm gần như là một yếu tố không thể thiếu để quyết định vị ngon của món ăn. Lá cách là một trong những loại “không thể thiếu” ấy. Trong khi việc sử dụng để chữa bệnh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc thì việc dùng lá để chế biến món ăn gần như ai cũng có thể áp dụng. Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm cho loại lá này trở nên hấp dẫn ở nhiều miền.